BÓN PHÂN CHO CÂY CAO SU KINH DOANH NHƯ THẾ NÀO?

Bón phân cho cây cao su kinh doanh như thế nào?

Cây cao su được trồng sau 5 - 6 năm thường có chu vi 45 - 50 cm, cao 1,5 m và bắt đầu cho thu hoạch mủ. Cao su thường được trồng với mật độ 450 - 550 cây/ha theo khoảng cách 2,5 x 9 m hoặc 2 x 9 m. Cây ưa đất sâu mầu, thoát nước tốt, có pH 4,0 - 5,5, thuộc vùng thấp (dưới 200 m), gần xích đạo, có vũ lượng 2000 - 3000 mm/năm. Trước kia chỉ trồng từ 10o vĩ bắc tới 10o vĩ nam, nay đã mở rộng tới 20o vĩ bắc (Trung Quốc) và 20o vĩ nam (Braxin).

Thông thường, từ năm thứ 7 cao su bước vào giai đoạn khai thác. Nếu tính trong vòng 30 năm cây cao su

phải sử dụng dinh dưỡng để tích lũy, quay vòng và chi cho sự hình thành mủ hàng năm.

 

Theo “IFA. World Fertilizer Use Manual”, số lượng dinh dưỡng chi phí cho các nhu cầu trên là:

 

- Tổng số D2 cố định trong cây, chu kỳ 30 năm là 1500-1800 kg N, 458-573 kg P2O5, 1440-1680 kg K2O,

300-365 kg MgO/ha.

- Tổng số D2 quay lại do lá rụng là 1400 kg N, 82 kg P2O5, 426 kg K2O, 275 kg MgO/ha.

- Tổng số lấy đi từ mủ là 485 kg N, 94 kg P2O5, 418 kg K2O, 120 kg MgO/ha.

 

Ngoài ra tổng lượng các nguyên tố dinh dưỡng khác cố định trong cây là: 1120-1400 kg/ha CaO;

200-250 kg/ha S, 15 kg/ha Mn, 0.7-1.5 kg/ha B, 5 kg/ha Zn, 1 kg/ha Cu.

 

Theo Chan et. al., 1972; Pushparajah et al., 1983, thì Cao Su cần bón 1 lượng đạm và lân hàng năm rất thấp

so với các cây trồng khác: Chỉ 8 - 24 kg N và khoảng 20 kg P2O5, trong khi lượng Kali cần bón cho Cao Su

rất cao: Khoảng từ 60 - 180, nhưng thường từ 60 - 100 K2O. Hiện tượng thiếu Mn thường thấy xuất hiện phổ

biến ở các vùng sản xuất, cần quan tâm để bón cho cây với lượng 100 g/cây hay 45 kg MnSO4.7H2O/ha.

 

Bón phân cho Cao Su chủ yếu bằng cách rải trên mặt đất theo vùng tán lá, nhưng nếu bón Urea cần phải vùi

vào đất. Tốt nhất là bón phân lúc bắt đầu ra lá mới. Ở Việt Nam, Tổng Công Ty Cao Su hướng dẫn bón phân

cho cao su tùy theo năm cạo, mật độ và hạng đất.

 

• Với năm cạo từ 1-10, mật độ cây 450 bón:

- 150-190 g N/cây, (tương đương 147-186 kg Urea /ha).

- 120-152 g P2O5 g/cây (tương đương 180-228 kg Apatit/ha/năm).

- 150-190 g K2O /cây (tương đương 112-143 kg KCl/ha/năm).

• Với năm cạo từ 11-20, mật độ 350 cây/ha bón:

- 200 g N/cây, (tương đương 152 kg Urea/ha).

- 140 g P2O5 g/cây (tương đương 163 kg Apatit/ha/năm).

- 120 g K2O/cây (tương đương 70 kg KCl/ha/năm).

 

Nếu dùng phân NPK bón cho cao su thời kỳ kinh doanh nên chọn loại có tỷ lệ NPK 2:1:2 hay các loại phân

có tỷ lệ kali cao hơn là được. Các loại phân có thể chọn là NPK 11-7-14; 20-7-25; 10-5-10; 12-6-9; 14-7-14;

16-6-16; 16-8-16; 17-10-17; 20-10-15 ... Tính toán sao cho lượng N bón trong 1 năm từ 70-75 kg/ ha thì

lượng Lân và Kali cũng được đáp ứng đủ. Theo lượng bón này thì Cao Su Việt Nam đã được bón 1 lượng

phân N hàng năm cao hơn rất nhiều trong khi lượng Kali chỉ tương đương so với mức khuyến cáo ở các

nước khác. Có lẽ Cao Su Việt Nam không được trồng cây họ đậu dưới tán nên phải bón nhiều đạm chăng?

Lượng phân trên được chia đều, bón làm 2 đợt.