các loại trái cây xuất khẩu sắp vượt mặt lúa gạo.

Xuất khẩu trái cây Việt Nam trong hơn nửa đầu năm nay đã đón nhận nhiều tin vui khi có thêm nhiều quốc gia đồng ý nhập khẩu trái cây Việt. Trái cây Việt Nam đang hứa hẹn lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD- gần tương đương lúa gạo.
 
Hoạt động xuất khẩu trái cây Việt Nam 6 tháng đầu năm sôi động với nhiều thị trường mới, thậm chí, trái cây Việt Nam còn “lội ngược dòng”, xuất khẩu vào được cả thủ phủ trái cây Thái Lan.
 
5 loại trái cây được cấp “visa” vào Mỹ
 
Sau nhiều năm theo đuổi, mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS, trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) vừa ra công bố về việc nhập khẩu trái vú sữa tươi từ Việt Nam sang Mỹ.
 
Trước đó, cơ quan này đã hoàn tất bản báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và đi đến kết luận quả vú sữa tươi từ Việt Nam đạt chuẩn an toàn để nhập khẩu vào Mỹ. Như vậy, sau thanh long, chôm chôm, vải và nhãn, vú sữa tươi là loại quả thứ 5 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ, dự kiến từ quý IV năm nay.
Tại thị trường Australia, cuối tháng 6 vừa qua, một đoàn cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia đã sang thăm và làm việc tại TP.HCM, Long An, Tiền Giang và Bình Thuận. Đây là các địa phương có trồng và chế biến trái thanh long xuất khẩu của Việt Nam. Tại đây, đoàn cán bộ Australia đã thị sát vùng trồng, thăm các cơ sở sơ chế, đóng gói thanh long để tìm hiểu về quy trình trồng, thu hoạch và xử lý thanh long trước khi xuất khẩu của Việt Nam.

Tổng Cục hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu trái cây đến giữa tháng 7 đạt hơn 1,27 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Trái cây cũng được đánh giá là mặt hàng “sáng sủa” nhất trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu năm nay. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây năm nay sẽ đạt 2,5 tỷ USD so với 1,8 tỷ USD của năm 2014.
 
Trước đó, phía Australia cũng đã thực hiện xong phần đánh giá sơ bộ các vấn đề dịch hại và bệnh trên quả đối với thanh long, chuẩn bị cho việc đánh giá cho phép nhập khẩu thanh long Việt Nam vào Australia. Dự kiến, đến cuối năm nay, Chính phủ Australia sẽ công bố báo cáo sơ bộ về quá trình đánh giá này, tiến tới việc cho phép nhập khẩu trái thanh long Việt Nam.
 
Cũng tại thị trường Australia, cuối tháng 5 vừa qua, trái xoài tươi Việt Nam chính thức có “visa” nhập khẩu vào nước này, tiếp sau trái vải tươi, được cấp phép nhập khẩu vào Australia từ hồi tháng 4 năm 2015.
 
Không chỉ ở các thị trường khó tính, ngay tại nước láng giềng với Việt Nam là Thái Lan, 100 tấn thanh long Việt lần đầu tiên được Tập đoàn TCC (Thái Lan) ký hợp đồng nhập khẩu. Số thanh long này sẽ được phân phối trong hệ thống siêu thị BigC Thái Lan.
 
Xuất ngược trái cây vào… Thái Lan
 
Hoạt động xuất khẩu trái cây 6 tháng đầu năm nay dồn dập tin vui từ các thị trường. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng cung cấp sản phẩm ngay khi những thị trường mới mở thông báo cho phép nhập khẩu. Việc chớp thời cơ, chiếm thị phần là rất cần thiết.
 
Ông Nguyễn Công Kính – Giám đốc Công ty TNHH XNK Cao Thành Phát (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), cho rằng, ngay sau khi ký kết với Tập đoàn TTC, doanh nghiệp này đã bắt tay vào việc xuất khẩu thanh long vào Thái Lan. Theo ông Kính, những lô hàng đầu tiên vào một thị trường mới quyết định rất lớn tới sự thành bại của doanh nghiệp và sản phẩm ở thị trường đó. Do đó, ngoài các tiêu chuẩn do phía nhập khẩu đưa ra, Cao Thành Phát cũng đảm bảo cung cấp những lô hàng tốt nhất để “lấy lòng” người tiêu dùng.
 
“Thông thường, cơ quan chức năng ở nước nhập khẩu sẽ kiểm tra rất chặt những lô hàng đầu tiên. Nhiều thị trường dù chấp nhận cho nhập khẩu nhưng doanh nghiệp không thành công cũng vì những lô hàng đầu tiên này”- ông Kính nói.
 
Ngoài Thái Lan, doanh nghiệp này cũng đang chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng đạt chuẩn để tiến thẳng vào thị trường Australia khi nước này thông báo cho phép nhập khẩu thanh long Việt Nam.
 
Trong khi đó, dù sản phẩm vú sữa tươi được nhập khẩu vào Mỹ, nhưng nhiều ý kiến lo ngại, nguồn hàng trong nước sẽ không đảm bảo đáp ứng các đơn hàng lớn. Hơn nữa, sức cạnh tranh của cây vú sữa trong nước những năm qua có phần giảm sút, nhiều vườn cây già cỗi, năng suất thấp, chất lượng èo uột.
 
Ông Nguyễn Sáu-chủ một cơ sở thu mua, xuất khẩu trái cây tại TP.HCM lo lắng, nhiều vùng trồng vú sữa lớn như Vĩnh Kim (Tiền Giang) giảm diện tích rất nhiều trong thời gian qua. Nhiều nhà vườn sẵn sàng chặt bỏ vú sữa để chuyển sang trồng các loại cây khác như sầu riêng, mãng cầu… khiến nguồn cung loại trái này không còn nhiều.
 
“Cần phải nhanh chóng cải tạo vườn, thay giống mới để có nguồn vú sữa tốt, lấy lòng người tiêu dùng ngay khi vừa nhập khẩu vào thị trường mới. Nếu không biết chớp cơ hội thì sau này, việc tiêu thụ sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu đầu ra” - ông Sáu lo lắng.
 
Thuận Hải (Dân Việt)