Hướng đi cho thanh long

BT- Bình Thuận được biết đến như là vương quốc thanh long, với diện tích trên 25.000 ha, sản lượng khoảng 550 - 600 ngàn tấn/năm, chiếm khoảng 80% diện tích và sản lượng thanh long của cả nước.

Sau thời kỳ “hoàng kim”, sản xuất, kinh doanh thanh long của tỉnh có dấu hiệu chựng lại và gặp không ít khó khăn như giá cả thất thường; sâu bệnh nhiều, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ; thiếu thông tin thị trường trong quy hoạch sản xuất, tiêu thụ thanh long; hoạt động kinh tế hợp tác yếu và thiếu; rủi ro cao khi còn lệ thuộc thị trường Trung Quốc... Trong lúc đó gần đây tại Bình Thuận xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc thâu tóm gần như toàn bộ hoạt động mua bán thanh long. Nhiều vựa thu mua thanh long của người Việt phải dẹp tiệm hoặc làm công cho người Trung Quốc, từ đó khó tránh khỏi tình trạng ép cấp, ép giá đưa đến nhiều thiệt thòi cho nông dân.

Trước tình hình đó, không còn cách nào khác là phải tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị, tức là phải liên kết để tạo ra một chuỗi các hoạt động vào việc tạo ra giá trị của sản phẩm và đưa lại lợi nhuận từ các hoạt động này. Khi thực hiện chuỗi giá trị sẽ tạo thuận lợi cho việc sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; sẽ giảm bớt khâu trung gian phân phối do đó giá bán sẽ cao hơn; thực hiện theo hợp đồng liên kết nên đảm bảo ổn định giá cả, đầu ra sản phẩm và vùng nguyên liệu; kiểm soát được phần lớn nguyên liệu an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường; chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng cũng được nâng cao.

Nhưng để thực hiện chuỗi giá trị thì một cá nhân, một nhà sản xuất khó có thể làm được mà phải liên kết thông qua hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 HTX, liên hiệp HTX sản xuất, tiêu thụ, chế biến thanh long. Trong số đó chỉ có vài HTX hoạt động có hiệu quả còn hầu hết đều gặp khó khăn, hạn chế như năng lực quản lý và liên kết các thành viên của đội ngũ cán bộ lãnh đạo còn hạn chế dẫn đến hiệu quả triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa cao; các HTX đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn, hầu hết chưa có nhà đóng gói…Vì vậy phải tiếp tục củng cố các HTX sản xuất thanh long đủ mạnh để tham gia vào chuỗi giá trị thanh long nhằm hướng đến việc tăng năng suất, chất lượng và tăng liên kết giữa các thành phần.

Để triển khai và cải thiện chuỗi giá trị thanh long hiện nay, các thành phần tham gia phải thực hiện tốt các khâu, công đoạn của mình. Về sản xuất, các hộ nông dân tự nguyện tham gia vào HTX, tổ hợp tác và phải thực hiện sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; việc tiêu thụ sản phẩm thông qua HTX hoặc tổ hợp tác. Các hộ nông dân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm cung cấp và chịu sự giám sát của HTX về tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm theo hợp đồng đã ký.

Trong khâu thu mua sơ chế, cần tuyên truyền vận động doanh nghiệp mua hàng, ký kết hợp đồng bao tiêu thanh long theo giá thị trường. Thí điểm hình thức góp cổ phần giữa doanh nghiệp và nông dân theo hình thức nông dân góp đất, trồng, chăm sóc thanh long; doanh nghiệp sơ chế, tìm thị trường tiêu thụ, lãi chia theo số vốn góp. Trong khâu sơ chế đóng gói, tiếp tục vận động, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở sơ chế, đóng gói theo VietGAP, GlobalGAP và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.

Phát triển công nghiệp chế biến trên cơ sở khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô và công suất chế biến các sản phẩm đạt chất lượng cao. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp trong vùng có năng lực tài chính, có thị trường tiêu thụ, có kinh nghiệm thị trường quốc tế đến vùng sản xuất thanh long tập trung đầu tư nhà máy chế biến nhằm tạo thêm năng lực tiêu thụ mới, góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị thanh long phát triển bền vững.

Hồng Lê