Loại bỏ 1 số thuốc bảo vệ thực vật của bộ nông nghiệp

Loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Carbendazim, benomyl và Thiophanate – methyl ra khỏi Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam

        Thời gian vừa qua ở tỉnh Bình Thuận đã phát sinh bệnh đốm nâu hại thanh long, gây thiệt hại đáng kể đến thu nhập của người dân. Nhiều giải pháp đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, trong đó biện pháp vệ sinh đồng ruộng rất hiệu quả trong việc giúp người dân phòng trừ dịch bệnh này.
        Về phía các công ty sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nhiều khảo nghiệm được thực hiện nhằm tìm ra loại thuốc hổ trợ bà con nông dân trong việc phòng trừ bệnh đốm nâu hại thanh long. Một số công thức thuốc đã được các công ty khuyến cáo, trong đó thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Carbendazim được người dân sử dụng nhiều.
        Ở Việt Nam, Carbendazim được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay Carbendazim (cùng với Benomyl và Thiophanate - methyl là hai chất chuyển hóa của Carbendazim) có tính độc cao, gây tác động đến sức khỏe con người, hệ sinh thái môi trường. Do đó, Carbendazim đã bị nhiều nước trên thế giới, nhất là các thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU cấm sử dụng. Đặc biệt, tồn dư của Carbendazim trên nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã bị nhiều thị trường cảnh báo.
        Xuất phát từ những nguyên nhân trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 03/QĐ – BNN – BVTV ngày 03/01/2017 về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Carbendazim, Benomyl và Thiophanate – methyl ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam.
        Theo đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa 3 hoạt chất Carbendazim, Benomyl và Thiophanate - methyl chỉ được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam tối đa 01 năm; được buôn bán và sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày 03/01/2017.
        Kể từ ngày 03/01/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng quyết định ngừng toàn bộ các thủ tục đưa vào danh mục đối với các hồ sơ đăng ký thuốc bảo vệ thực vật có chứa 3 hoạt chất nêu trên.
        Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản gửi các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thông báo về việc tạm dừng tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đối với 3 hoạt chất trên kể từ ngày 20/12/2016.
        Như vậy, đến thời điểm ngày 03/01/2019 sẽ có 215 thuốc bảo vệ thực vật chứa 3 hoạt chất trên đã được đăng ký trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư 03/ 2016/TT- BNNPTT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 21/4/2016) bị loại bỏ. Cụ thể:
        - Hoạt chất Carbendazim được đăng ký phòng trừ bệnh hại trên khoảng 29 loại cây trồng với 109 tên thương phẩm thuốc BVTV, trong đó:
        + 37 tên thương phẩm có hoạt chất đơn Carbendazim
        + 72 tên thương phẩm là thuốc hỗn hợp của Carbendazim và các hoạt chất khác
        - Hoạt chất Benomyl được đăng ký với 16 tên thương phẩm thuốc BVTV, trong đó:
       + 11 tên thương phẩm có hoạt chất đơn Benomyl 
        + 5 tên thương phẩm là hỗn hợp của Benomyl và các hoạt chất khác; 
        - Hoạt chất Thiophanate – Metyl được đăng ký với 90 tên thương phẩm thuốc BVTV (chủ yếu là hỗn hợp của Thiophanate metyl và các hoạt chất khác).
        Để kinh doanh buôn bán thuốc đúng theo qui định của Nhà nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả trong phòng trừ nấm bệnh hại cây trồng, tránh những tác động nguy hại đến sức khỏe người dân và góp phần bảo vệ môi trường; bà con nông dân và các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cần lưu ý không sử dụng và buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất Carbendazim, Benomyl và Thiophanate – methyl kể từ ngày 03/01/2019./.

Theo Sở nông nghiệp Bình Thuận