Nông nghiệp có thể phải trả giá đắt!

Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ lạc hậu về mọi mặt, mà còn đang ở tình thế “nguy hiểm” với nhiều loại nông sản không an toàn.
 
Ảnh: Bùi Văn Diện


Nếu không sớm khắc phục những tồn tại hiện nay, nông nghiệp nước ta không những không tận dụng được cơ hội hội nhập mang lại mà còn bị những thách thức của tiến trình này nhấn chìm. Nông nghiệp và nông dân sẽ phải trả giá đắt cho việc thực thi các cam kết thương mại, nhất là khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
 
Sai lầm trong chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị đã khiến nước ta chỉ tạo ra được một nền công nghiệp gia công, lắp ráp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng thấp, dựa vào khai thác tài nguyên tự nhiên, sử dụng sức lao động cơ bắp với giá rẻ, chấp nhận ô nhiễm môi trường.
 
Thực tế, việc phát triển các khu công nghiệp chỉ mới tạo ra việc làm, không tạo được an cư cho người lao động do các doanh nghiệp không chịu áp lực phải xây dựng các khu dân sinh với các tiện ích đô thị bên cạnh các khu công nghiệp.
 
Về phía người nông dân, phải rời bỏ đồng ruộng vào làm việc trong các khu công nghiệp với mức lương không đủ sống, thường phải làm tăng ca, thêm giờ, mà không thể trở thành người lao động công nghiệp chuyên nghiệp, gắn bó cả đời với công nghiệp. Cuộc sống bấp bênh khiến họ luôn trong tư thế sẵn sàng trở về quê làm ruộng.
 
Chiến lược phát triển công nghiệp đô thị không tạo ra nguồn cung cấp đất nông nghiệp cho thị trường đất đai để tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, thực hiện GAP, làm ra nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với giá cả đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Điều này phản ánh sự thất bại của chiến lược công nghiệp và đô thị.
 
Việt Nam không có chiến lược sản phẩm nông nghiệp quốc gia theo vùng nông nghiệp sinh thái, trong bối cảnh đất nước vẫn say sưa với “những con số đẹp” về GDP và cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất nông nghiệp bằng mọi giá.
 
Những nông sản chủ lực, có khối lượng và giá trị cao hiện nay từ các vùng nông nghiệp là kết quả của quá trình tự phát. Ví dụ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang cung cấp tới 90% lượng gạo xuất khẩu hằng năm nhưng khối lượng lúa sản xuất và xuất khẩu tăng tỷ lệ nghịch với thu nhập của nông dân và tỷ lệ thuận với ô nhiễm môi trường.
 
Cũng bởi thiếu chiến lược, nước ta, trước hết là nông dân đang phải “bất đắc dĩ” làm nhiệm vụ quốc tế về an toàn lương thực. Hiện nay, người dân Philippines mua gạo Việt Nam với giá rẻ, chỉ bằng 2/3 giá gạo tiêu thụ trong nước.
 
Phải mất một thời gian dài tư duy theo lối này, người ta mới ngộ ra rằng phải phát triển kinh tế theo vùng nên các địa phương phải “ngồi lại” với nhau để bàn phương án liên kết. Nhưng đó là quy trình ngược theo kiểu “thả gà ra đuổi” bởi phương án chiến lược sản phẩm và quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng của mỗi vùng kinh tế sinh thái đã bao hàm nội dung liên kết các tỉnh, thành phố theo vùng.
 
Về nguyên tắc, xác định sản phẩm chiến lược quốc gia theo vùng kinh tế, sinh thái, trước hết phải xác định thị trường, khách hàng, mục tiêu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, ở những mức độ khác nhau của mỗi loại nông sản, không phải chạy theo doanh số xuất khẩu như hiện nay.
 
Nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, áp dụng kỹ thuật cũ vừa cho năng suất lao động và năng suất nông sản thấp, với giá thành sản xuất cao, vừa không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa gây ô nhiễm môi trường. Mỗi hộ sản xuất tự phát theo hội chứng đám đông, hay theo tín hiệu của thương lái, không phải tín hiệu thị trường hay chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn. Doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm với công nghệ lạc hậu, kinh doanh theo kiểu “ăn đong”, không phải là tổ chức theo chuỗi giá trị ngành hàng.
 
Vì thế, hầu hết các mặt hàng nông sản đều không thể có thương hiệu. Cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp cũng chưa phải là một tổ chức kinh tế của nông dân sản xuất hàng hóa lớn, đủ khả năng mặc cả với doanh nghiệp ở cả đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp.
 
Tệ hơn, nhiều hợp tác xã được thành lập theo ý chí của chính quyền địa phương để đạt tiêu chí “xây dựng nông thôn mới”, không phải của nông dân, vì nông dân hay do nông dân.
 
Một sai lầm quan trọng nữa, nước ta chủ trương thực hiện đầu tư xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao, thay vì đầu tư phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao. Vô hình chung, nước ta thừa nhận sự tồn tại hợp pháp một nền nông nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Các nước phát triển hiện nay đều là những nước có nền nông nghiệp công nghệ cao, dù GDP nông nghiệp chỉ chiếm vài phần trong GDP của cả nước. Họ không tạo ra các khu nông nghiệp công nghệ cao để làm mẫu, lấy thành tích.
 
Hiện nay, các nhà khoa học, đội ngũ doanh nhân và nông dân Việt Nam có đủ năng lực để giải quyết các vấn đề của nền nông nghiệp, những thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế, để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại. Họ đang trông đợi ở Chính phủ trong việc cải tổ thể chế quản lý kinh tế theo yêu cầu của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế.