Phân nhả chậm, phân nhả chậm có kiểm soát hay phân chậm tan là gì?

Gần đây, trên thị trường xuất hiện thuật ngữ phân bón nhả chậm, rồi phân bón nhả chậm có kiểm soát hay phân chậm tan... Nhiều khách hàng viết thư hỏi các loại phân này khác nhau như thế nào và tại sao lại có tên như vậy? 
Thực tế cho thấy những vùng nào sử dụng lượng phân hóa học cao thì năng suất các loại giống cây trồng đều cao. Nhưng khi tính hiệu quả kinh tế thì cho thấy rằng có hơn một nửa số lượng chất dinh dưỡng của N và K, cây không sử dụng được trong mùa vụ đã bón. 
 
Còn về phân lân (P) thì bức tranh này càng kém hơn. Bình quân cây chỉ sử dụng được khoảng 15% số lượng P được bón. Số dinh dưỡng còn lại ở trong đất sẽ được sử dụng cho vụ sau hay các vụ sau nữa. Số khác bị thất thoát bằng nhiều con đường, sẽ góp phần gây ô nhiễm môi trường. Từ đó nhiều nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu các giải pháp làm cho chất dinh dưỡng tan ra từ từ, giúp cây có thể hút được nhiều và lâu hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng các chất dinh dưỡng cho cây tốt hơn, trước hết là đối với chất N.
 
Phân nhả chậm, phân bón nhả chậm có kiểm soát hay phân chậm tan... 
 
Vậy phân nhả chậm đươc hiểu là trong phân đó các chất dinh dưỡng vốn tan nhanh sẽ được giải phóng ra từ từ, kéo dài thời gian tan ra trong môi trường lâu hơn loại phân bình thường, nhưng con đường và thời gian tan không kiểm soát được. Còn phân nhả chậm có kiểm soát thì kiểu tan và thời gian tan có kiểm soát được trong quá trình sản xuất. Trong thực tế còn có thuật ngữ phân chậm tan, về bản chất cũng là phân nhả chậm, nhưng không phải do con người tạo ra, mà nguyên liệu sản xuất phân đã mang tính chậm tan hay khó tan. Ví dụ, cũng là chất P nhưng phân super lân thì tan nhanh hơn là phân lân nung chảy. 
 
Vì phân lân nung chảy không tan trong nước ở nhiệt độ thường mà phải tan trong môi trường axit yếu. Do đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng chất P, người ta thường phối trộn cả 2 loại phân này lại để bón, như vậy thời gian đầu cây lấy P từ super lân, sau đó phân nung chảy cung cấp P cho cây ở giai đoạn muộn hơn nhờ môi trường axit yếu xung quanh rễ cây trợ giúp. 
 
Vậy lịch sử xuất hiện phân nhả chậm có kiểm soát ra đời từ bao giờ? 
 
Ngay khi phát hiện ra chất N dễ bị thất thoát, nhiều tác giả đã tập trung nghiên cứu ra các chế phẩm bọc phân đạm (chủ yếu là ure và nitrat amôn), họ đã dùng các nguyên liệu như S, nhựa đường, chất polymer, xác cây xoan Ấn Độ (neem) để bọc phân đạm. Các thí nghiệm chứng minh sử dụng các vật liệu này rất có hiệu quả. Nhưng do công nghệ khó sử dụng nên giá thành cao. Ví dụ, dùng xác bả cây neem có 2 tác dụng tốt là cho phép chất N giải phóng từ từ và chế phẩm kèm theo tác dụng kháng khuẩn nên giúp cây chống đỡ lại nấm bệnh tốt hơn, nhưng cần phải có diện tích lớn để trồng cây này, trong lúc cây neem sinh trưởng chậm, dẫn đến giá thành cao...
 
Công nghệ sử dụng S hay các chất polymer bọc phân đạm cũng vậy. Ở Việt Nam thường dùng kỹ thuật thô sơ như vo viên phân N với đất sét rồi dúi sâu vào giữa 4 bụi lúa hay bón vãi phân đạm rồi lấp đất lại cũng có hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên các giải pháp này cũng có chung số phận là khó áp dụng nên người dân vẫn sử dụng biện pháp bón vãi trên mặt đất, tỷ lệ thất thoát vẫn cao, khi bón lượng phân đạm càng cao thì mức độ thất thoát cũng càng cao.
 GS MAI VĂN QUYỀN