Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu (đốm trắng) hại thanh long

QUY TRÌNH KỸ THUẬT

PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐỐM NÂU HẠI THANH LONG

(Quy trình tạm thời)

Theo công văn số: 1448/BVTV-QLSVGHR ngày 9/7/2013 của Cục Bảo vệ thực vật

 

 

     I. NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI

     1. Nguyên nhân, cơ chế gây bệnh

     Bệnh đốm nâu được ghi nhận đã, đang xuất hiện ở một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan. Ở Việt Nam, một số vườn thanh long tại các địa phương thuộc tỉnh Bình Thuận và Long An đã xuất hiện loại bệnh này, tuy mới xuất hiện nhưng bệnh có tốc độ lây lan nhanh và gây hại trên diện rộng.

     Bệnh đốm nâu hại thanh long do nấm Neoscytalidium dimidiatum (Penz) Crous & Slipper gây ra. Nấm thuộc Bộ Botryosphaeriales; Họ Botryosphaeriaceae.

     Bào tử nấm gây bệnh nẩy mầm trên bề mặt tiếp xúc rồi xâm nhập vào trong mô gây hoại tử, bệnh gây hại trên cả thân cành và quả thanh long.

     2. Triệu chứng bệnh

     - Trên thân cành: khi mới xuất hiện, triệu chứng ban đầu là các vết lõm màu trắng (nên một số nông dân còn gọi là bệnh đốm trắng,…), sau đó vết bệnh nổi lên thành những đốm tròn màu nâu như mắt cua. Trong điều kiện thuận lợi bệnh phát triển mạnh, các vết bệnh liên kết với nhau làm cho cành thanh long bị sần sùi, gây thối khô từng mảng.

     - Trên quả: tương tự như trên thân cành, những đốm làm cho võ quả trở nên sần sùi thối khô từng mảng. Bệnh nặng có thể gây nám (rám) cả quả làm giảm giá trị thương phẩm nghiêm trọng.

     3. Phương pháp lây lan

     Bệnh phát sinh phát triển và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, ẩm độ không khí cao, nhất là vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Bệnh phát sinh gây hại nặng hơn trên những vùng thanh long bón nhiều phân đạm, sử dụng nhiều chất kích thích sinh trưởng. Bệnh đốm nâu cây thanh long lây lan chủ yếu qua các con đường:

     - Qua hom giống, tàn dư cây bệnh và các sản phẩm của thanh long.

     - Bào tử nấm phát tán, lây lan nhờ gió, dòng nước chảy và qua một số sinh vật (một số loài ốc sên, côn trùng).

     II. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

     Để phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long hiệu quả phải áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IBM).

     1. Biện pháp canh tác

     - Vệ sinh sạch cỏ dại, tiến hành tỉa cành cho vườn thông thoáng, sạch sẽ, không để vườn quá rậm rạp.

     - Thường xuyên kiểm tra vườn, nhất là những vườn cận kề vườn bệnh và vườn um tùm, xanh tốt hoặc vào thời điểm ẩm độ không khí cao.

     - Không tưới nước vào chiều tối vì sẽ tạo điều kiện ẩm độ cho bào tử nấm gây bệnh nẩy mầm, gây hại. Không tưới phun trên tán cây.

     - Loại bỏ nhũng cành, quả bị bệnh, thu gom chôn lấp, rắc vôi bột tiêu hủy (không được bỏ cành bệnh, quả bệnh xuống nguồn nước hay vứt tại vườn).

     - Bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm và sử dụng nhiều lần chất kích thích sinh trưởng khi cây bị bệnh. Tăng cường bón lân, kali và phân hữu cơ hoai mục cũng như việc bổ sung thêm phân có hàm lượng canxi, magie, silic để tăng sức đề kháng cho cây.

     2. Sử dụng giống sạch bệnh

     - Tuyệt đối không được lấy giống, giâm chiết cành từ những khu vực bị bệnh hoặc không có nguồn gốc rõ ràng.

     - Không vận chuyển cành, quả bị bệnh từ khu vực có bệnh sang khu vực khác.

     3. Biện pháp hóa học

     - Rắc vôi bột khử trùng trên mặt đất với liều lượng 1 – 2 tấn/ha.

     - Khi phát hiện bệnh đốm nâu mới chớm xuất hiện có thể sử dụng thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc đăng ký phòng trừ bệnh đốm nâu hại thanh long nên tạm thời sử dụng các loại thuốc đồng  (Cuprous Oxide, Copper Hydroxide, Copper Sulfate) hoặc gốc Mancozeb để phun phòng trừ bệnh; sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì ./.

TTKNBT