Thanh long Bình Thuận “chông chênh” xuất ngoại

Những người “tự tìm” lối đi

Hòa Thắng mùa này gió lắm, gió cuốn từng đám bụi bay vào không trung, nhuốm bầu trời thành màu vàng nhạt. Đi theo chỉ dẫn  bằng điện thoại của anh Phạm Văn Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Đông Á, tôi rẽ vào con đường sỏi đỏ rộng khoảng 5m. Cặp bên là đường điện trung thế được đầu tư khá quy mô. Vào sâu chừng 200m, cảnh vật nơi đây hầu như không có gì ngoài những cây bụi lúp xúp và những đám rẫy người ta đã bỏ hoang vì thiếu nước. Tôi chợt nghĩ: “Ở nơi  vốn thiếu mưa, thừa nắng như Hòa Thắng, không hiểu người đàn ông ấy nghĩ gì mà chọn nơi đây để sản xuất thanh long”. Chạy khoảng hơn 1km, trước mắt tôi là biểu hiện của sự sống.  Giữa đồng cát mênh mông xuất hiện một vạt xanh và những ngôi nhà. Khoảng xanh ấy được tạo ra bởi cây đinh lăng, ổi và thanh long. Trong ngôi nhà cấp 4, một người đàn ông gần 50 tuổi, đầu hói, đang ngồi nhìn ra vườn thanh long, nơi hiện đang có gần 20 người đang hối hả cắt trái. Tôi đoán đó là  người tôi cần tìm. Còn người đàn ông vừa trông thấy tôi, đã đứng dậy, xởi lởi bắt tay,  bảo sau khi nhận được điện thoại cứ lo là trời nắng đổ lửa, tôi chưa quen đường sá rất dễ lạc đường. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau quanh chiếc bàn nước. Anh Minh kể: Cách đây 4 năm, anh là kiến trúc sư và buôn bán bất động sản tại TP.Hồ Chí Minh. Anh bén duyên với nông nghiệp khi đi cùng bạn ra tham quan trang trại thanh long của một người bạn ở xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam. Với độ nhạy của một người lăn lộn thương trường nhiều năm, anh Minh nhận ra cơ hội đầu tư mới vào loại cây này. Sau nhiều lần tìm kiếm, anh chọn vùng đất Hòa Thắng để đầu tư bởi một lý do: Đất ở Hòa Thắng là đất sạch chưa bị ô nhiễm. “Với những người làm nông nghiệp theo hướng sạch thì đất là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Đất không bị ô nhiễm thì ít bị bệnh hơn. Cộng với việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thì sản phẩm sẽ đảm bảo được yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như: Úc, Mỹ, châu Âu...”, anh Minh chia sẻ. Có đất, anh  quyết định áp dụng công nghệ trồng thanh long giàn của Đài Loan. Trồng thanh long giàn cũng tương tự như trồng theo cách truyền thống nhưng chỉ khác ở chỗ khoảng cách giữa các hàng khá lớn khoảng 4m. Trong khi đó khoảng cách giữa các trụ trong một hàng rất nhỏ, chỉ khoảng 1m. Giữa các trụ được nối với nhau bằng cây để cành thanh long bám vào. “Cách trồng này  sẽ tăng gấp đôi số trụ trồng được trên một diện tích. Trước đây, 1 ha đất chỉ trồng được khoảng 1.000 trụ. Nhưng theo cách trồng này thì 1 ha có thể trồng được hơn 2.000 trụ thanh long. Nhờ tăng số trụ mà năng suất trên 1ha cũng cao gấp đôi bình thường. Với 1,5 ha thanh long này dự tính sẽ được khoảng 15 tấn trái”, vừa nói anh Minh vừa chỉ tay về phía vườn thanh long.

Trên diện tích thanh long hiện tại, anh Minh đang áp dụng trồng theo tiêu chuẩn organic (nông nghiệp hữu cơ). “Trước đây, tôi có nghe bạn nói bên Úc người ta áp dụng tiêu chuẩn organic cho các sản phẩm nông nghiệp nên tôi  tìm hiểu về nó. Ngay cả việc áp dụng thanh long trồng giàn cũng hướng đến mục tiêu này. Khoảng cách hàng lớn giúp giảm các bệnh do nấm gây ra vừa dễ cho xe cơ giới vận chuyển phân bón hữu cơ vào”, anh Minh nói về mô hình trồng thanh long của mình. Nói xong anh đưa cho tôi một miếng thanh long ruột đỏ. Nhìn bề ngoài, trái thanh long này không đẹp bằng những trái thanh long ruột đỏ tôi từng thấy. Vỏ ngoài không bóng nhẩy, tai không xanh, nhưng khi ăn thì beo béo và ngọt thanh. Theo giải thích của anh Minh, thanh long trồng theo tiêu chuẩn organic hầu như không sử dụng hóa chất và nếu có sử dụng thì hàm lượng cũng rất ít nên trái thanh long bao giờ cũng xấu hơn các vườn khác.

Đặt mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất đúng theo tiêu chuẩn organic từ những ngày đầu nên đến thời điểm hiện tại anh Minh bắt đầu thu những quả ngọt. Tháng 1/2017, đoàn khảo sát của Công ty Amazonia ở Úc đã đến vườn thanh long của anh Minh kiểm tra. Sau khi kiểm tra mẫu đất, mẫu trái và quy trình sản xuất, tháng 2/2017, Công ty Amazonia đã đồng ý đưa tên trang trại của anh Minh vào vùng thanh long oganic của công ty. “Tháng 5 này, chúng tôi sẽ  trồng thêm 7.000 trụ thanh long nữa để đáp ứng yêu cầu của đối tác”, anh Minh hồ hởi nói.

Cũng tìm hướng đi mới như anh Minh, nhưng anh Đỗ Nghi, chủ một trang trại với quy mô gần 6 ha ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc lại chọn hướng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Khởi nghiệp trồng thanh long từ năm 2012, anh Nghi quyết tâm trồng thanh long theo hướng sạch. Vì cách trồng “khác người” mà trái thanh long của vườn anh Nghi nhỏ hơn, xấu hơn và thường bị thương lái nói “thanh long cho bò ăn”. Thời điểm đó, anh Nghi  đưa sản phẩm của mình lên mạng internet, bán lẻ cho khách hàng trong nước. Tiếng lành đồn xa, lượng khách hàng đặt mua thanh long của anh ngày càng nhiều. Cách đây khoảng 1 năm, một công ty ở Đức đã tìm đến vườn của anh Nghi xin lấy mẫu và đặt hàng. “Sau khi đồng ý nhập thanh long, công ty này đề nghị tôi đăng ký tiêu chuẩn GlobaGAP. Vậy là tôi lên mạng tìm thông tin về các công ty cấp loại chứng chỉ này để đăng ký. Vì vườn thanh long của mình đã sạch từ trước nên việc cấp chứng chỉ cũng khá nhanh. Hiện tại, công ty bên Đức  đồng ý bao tiêu sản phẩm do vườn của tôi làm ra với một mức giá cố định. Khi giá thị trường tăng lên thì công ty cũng tăng, nhưng khi giá thị trường giảm xuống dưới mức hai bên đã thỏa thuận thì công ty vẫn mua với giá hợp đồng. Cách đây khoảng 5 ngày tôi mới xuất lứa thanh long với giá 25.000 đồng/kg. Trong khi thời điểm đó, giá thanh long ở thị trường chỉ 13.000 đồng/kg. Hiện nay nhu cầu thanh long sạch rất lớn, chỉ cần nhà vườn sản xuất được thì chắc chắn đơn vị thu mua sẽ tự tìm tới”, anh Nghi vui vẻ cho biết.

Ai sẽ tạo đột phá?

Không chỉ hai nhà vườn này, ở Bình Thuận còn có khá nhiều trang trại sản xuất thanh long theo hướng sạch, an toàn. Trong đó, khu vực xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam là một trong  những nơi tập trung khá nhiều trang trại thanh long quy mô lớn. Trong quá trình lấy tư liệu bài viết, tôi  bị bảo vệ của trang trại thanh long không cho vào với lý do: “Ở đây sản xuất thanh long theo quy trình khép kín, bón phân, tưới nước, phun thuốc theo lịch trình. Người lạ vào lỡ mang theo mầm bệnh thì thiệt hại lớn”. Có thể thấy, sau nhiều năm phát triển, tư duy của người trồng thanh long đã đi theo hướng cao hơn, tiên tiến hơn. Bình Thuận không thiếu những trang trại thanh long xuất hàng sang thị trường Mỹ, châu Âu hay đạt được chứng chỉ GlobaGAP. Nhưng để có được điều này, hầu hết các trang trại đều tự làm hồ sơ xin chứng nhận, tự tìm kiếm đối tác.

Với diện tích 27.000 ha, Bình Thuận hiện là địa phương có diện tích thanh long nhiều nhất cả nước. Nhưng hơn 10 năm phát triển, thanh long Bình Thuận vẫn xuất khẩu theo con đường cũ. Thương lái, doanh nghiệp vẫn xuất khẩu thanh long theo kiểu “mạnh ai người đó làm”. Buôn bán nhỏ lẻ và tập trung vào một thị trường khiến trái thanh long dễ bị ép giá. Hiện nay, các thương lái Trung Quốc đã vào Bình Thuận và thâu tóm nhiều vựa thanh long. Nhiều cơ sở thu mua thanh long bề ngoài khang trang nhưng thực chất là “sân sau” của thương lái Trung Quốc. Số lượng, giá cả đều do họ quyết định. Vào năm 2015, khi tìm hiểu thông tin về sự xuất hiện của thương lái Trung Quốc tại Bình Thuận, tôi chứng kiến những nỗi buồn của người trồng thanh long. Giá thanh long nhảy múa, lên xuống bất thường. Thanh long chong đèn mà giá chỉ có 6.000 đồng/kg. Lỗ nặng, nhiều người bỏ mặc vườn thanh long. Thời điểm đó không thiếu những vườn thanh long héo dây vì lâu ngày không được tưới nước, trái chín rụng xuống gốc mà không ai dọn dẹp. Giờ thì giá thanh long ổn định hơn nhưng cũng không ai dám chắc tình trạng như năm 2015 sẽ không xảy ra…

Cây thanh long Bình Thuận hiện đang đối diện với nhiều thách thức ở cả trong và ngoài nước. 2 tỉnh Long An và Tiền Giang đang đẩy mạnh diện tích cây thanh long. Dù diện tích thanh long ít hơn nhưng hiện nay trái thanh long sản xuất ở hai tỉnh này đã vào được các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu. Long An và Tiền Giang là một trong những địa phương có kinh nghiệm trong việc sản xuất trái cây sạch xuất khẩu và với lợi thế về vị trí địa lý, thanh long ở 2 tỉnh trên đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với thanh long Bình Thuận trên thị trường khó tính. Bên cạnh đó, sức ép về diện tích thanh long ở thị trường đang tiêu thụ 80% sản lượng thanh long xuất khẩu của Bình Thuận là Trung Quốc cũng tăng rất nhanh. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin thì hiện nay diện tích thanh long ở nước này khoảng hơn 20.000 ha. Trong thời gian tới việc xuất khẩu trái thanh long sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa tính đến việc nếu Trung Quốc đột ngột áp dụng kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm thì thanh long Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung chưa biết về đâu…

 Tôi chợt nhớ đến lời của anh Phạm Văn Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Đông Á về hướng để thanh long vươn ra tầm thế giới: Anh khẳng định, về chất lượng của thanh long Việt Nam có thể nói là khá ngon, nhưng cái thiếu ở đây chính là một cơ chế đột phá thay đổi tư duy trồng và xuất khẩu thanh long. Cách này giống như Nhật Bản đang làm. Tất cả nông dân đều sản xuất theo một bộ tiêu chí nhất định, sản phẩm làm ra đều tập trung về các hợp tác xã. Sau đó, hợp tác xã phối hợp với các công ty phân loại sản phẩm và xuất đi các thị trường. Cách làm này vừa giúp nhà nông chủ động được sản xuất, sản phẩm làm ra có chất lượng như nhau. Vì tất cả sản phẩm đều tập trung vào các hợp tác xã nên đơn vị này sẽ có nhiệm vụ tìm đối tác, mở các chương trình quảng bá để làm sao cho nhiều người biết đến sản phẩm của đơn vị mình càng tốt. Ở Nhật Bản, chuỗi liên kết của họ rất chặt chẽ và vai trò của các đơn vị nhà nước thể hiện khá rõ. “Xuất khẩu thanh long mà chỉ dựa vào các doanh nghiệp tư nhân thì rất khó thành công. Bởi đã là doanh nghiệp tư nhân thì ai cũng nghĩ cái lợi cho doanh nghiệp mình. Hiện nay, chỉ có các tổ chức nhà nước mới giải được bài toán xuất khẩu bền vững trái thanh long. Bởi vai trò, vị trí của mình, các đơn vị này mới tiếp cận được với nhiều thị trường, tìm kiếm đối tác tiềm năng. Muốn như vậy thì Nhà nước phải ban hành những quy định mang tính đột phá trao quyền quyết định cho các tổ chức nhà nước để hướng người sản xuất thanh long vào một quỹ đạo chung”, anh Minh chia sẻ.

Nghe điều anh nói, tôi cảm nhận lối ra của thanh long đang rộng hơn. Bởi thực tế đã xuất hiện những nhân tố tích cực như anh Minh, anh Nghi… vấn đề còn lại vẫn là vai trò dẫn dắt, định hướng của Nhà nước. Hiện tại, trái thanh long đang cần một cơ chế đột phá giống như các nước: Nhật Bản, Thái Lan, New Zealand đang áp dụng cho nông sản của họ để vươn ra thị trường thế giới.  

Nguyễn Luân