Gia tăng bệnh vàng cành, cháy cành trên thanh long
BTO- Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, đến thời điểm này, tổng diện tích cây thanh long bị nhiễm bệnh vàng cành, cháy cành là 3.463 ha, tăng 326 ha so với tuần trước và tăng 1.953 ha so với cùng kỳ năm 2015, phân bố trên toàn vùng. Riêng bệnh đốm nâu, diện tích nhiễm 524 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ, giảm 721 ha so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh tập trung ở huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình. Ngoài ra, bệnh thối cành, thối trái non có diện tích nhiễm 1.157 ha, giảm 271 ha so với tuần trước và tăng 688 ha so với cùng kỳ năm 2015, phân bố ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và thị xã La Gi. Các đối tượng gây hại khác phân bố rải rác trên toàn vùng trồng thanh long như thán thư, bọ trĩ, thối rễ, teo tóp cành, rệp sáp, nám cành, bồ hóng...
Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, trong những ngày tới, do thời tiết ngày nắng nóng, gió nhiều làm ẩm độ trong vườn thanh long thấp. Vì vậy, bệnh đốm nâu tiếp tục giảm cả về diện tích và mức độ nhiễm bệnh. Ngược lại, bệnh vàng cành, cháy cành, thối cành sẽ tiếp tục phát sinh gia tăng diện tích gây hại. Các đối tượng khác như thối rễ, teo tóp cành, rệp sáp, bọ trĩ, kiến gây hại rải rác trên toàn vùng trồng thanh long.
Về biện pháp phòng trừ, theo ông Nguyễn Hữu Quang- Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đối với những vườn đang bị vàng cành, thối cành, bà con cần phun thuốc phòng trừ bệnh và bón các loại phân giàu lân, canxi, magie, kali,… để tăng sức đề kháng cho cây, hạn chế các bệnh vàng cành, thối cành phát sinh gây hại. Riêng đối với bệnh đốm nâu trên cây thanh long, các Trạm BVTV tiếp tục theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn. Tuyên truyền, phổ biến Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long (quy trình sửa đổi, bổ sung) của Cục Bảo vệ thực vật cho người dân. Vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả bị bệnh và tiến hành ủ bằng chế phẩm BIO-ADB để diệt nấm bệnh. Tuyệt đối không để cành, trái bị bệnh hại nặng (vết bệnh cũ) trong vườn thanh long vì đây là các ổ nấm giúp mầm bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan gây hại.